Phải làm gì khi phát hiện nuôi con của người khác?
Anh trai tôi đã ly hôn cách đây vài năm nhưng giờ phát hiện người con thứ hai bao lâu nay chăm sóc, nuôi dưỡng không cùng huyết thống.

Anh và vợ cũ có hai người con. 5 năm trước họ thuận tình ly hôn và thỏa thuận mỗi người nuôi một đứa. Anh nuôi đứa con trai lớn, còn chị nuôi bé gái út.
Quá trình chăm sóc, thăm nuôi con gái, anh nhận thấy bé có nhiều khác biệt với mình nên đã âm thầm đi giám định ADN và phát hiện không phải con ruột.
Tuy tòa không buộc anh phải cấp dưỡng cho con gái sau khi vợ chồng ly hôn nhưng từ trước đến nay anh ấy đều thực hiện nghĩa vụ của người cha, chăm sóc, gửi tiền nuôi dưỡng bé. Anh khá sốc khi biết bé không phải là con ruột của mình nhưng chưa biết nên làm gì.
Nhờ luật sư tư vấn giúp anh tôi nên xử lý thế nào trong trường hợp này? Có nên đòi lại tiền nuôi dưỡng bấy lâu nay hay không?
Độc giả Mai Anh
>> Luật sư Hoàng Anh Sơn tư vấn
Căn cứ Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha mẹ như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Theo khoản b, Điều 5 Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng thẩm phán quy định: Khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.
Như vậy việc anh trai của bạn cho rằng đứa bé không phải con thì phải làm thủ tục "không công nhận cha con" tại tòa án có thẩm quyền.
Việc cấp dưỡng cho con sau ly hôn là nghĩa vụ của cha, mẹ người không trực tiếp nuôi con - trách nhiệm để đảm bảo sự phát triển của con cái. Mặc dù tòa án không buộc anh của bạn phải cấp dưỡng nhưng vì trách nhiệm của người làm cha và nghĩ người con này là con đẻ của mình nên anh bạn vẫn cấp dưỡng, chăm lo cho con.
Do đó, nếu khi anh bạn đã phát hiện và có bằng chứng cho thấy người con gái sau không phải là con ruột của mình thì anh bạn có thể ngưng cấp dưỡng để làm thủ tục không công nhận cha con tại tòa án.
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về việc đòi lại tiền cấp dưỡng. Hơn nữa, việc anh bạn cấp dưỡng cho người con sau cũng là tự nguyện.
Vì vậy, anh trai bạn có thể khởi kiện người vợ cũ để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo tinh thần chung được quy định tại Điều 13 Bộ luật dân sự 2015: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cụ thể, căn cứ Điều 589, Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Pháp luật quy định vậy là để bảo vệ cho người bị xâm phạm về tài sản, danh dự, uy tín. Anh trai của bạn có quyền yêu cầu đòi bồi thường về những thiệt hại này. Tuy nhiên, việc có nên khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường những tổn thất về tinh thần vật chất hay không thì do anh trai bạn là người cân nhắc quyết định.
Nguồn: vnexpress.net
What's Your Reaction?






