Phải làm gì khi mua phải sữa giả cho con uống?
Thấy con trai 12 tuổi có vóc dáng nhỏ bé hơn các bạn đồng trang lứa, vợ tôi khá lo lắng và tìm nhiều cách để bồi bổ cho cháu, thậm chí đã mua rất nhiều sữa của Công ty Rance Pharma.

Những người chủ của công ty này và Hacofood Group vừa bị Bộ Công an bắt tạm giam vì sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại; trong đó có sản phẩm sữa Morkid mà vợ tôi đã mua cho con trai uống hơn một năm rưỡi nay.
Trước đó, vợ tôi chọn sản phẩm này do tin vào những lời quảng cáo của Công ty Rance Pharma, rằng: thành phần được chiết xuất tổ yến, nguyên liệu sữa non nhập khẩu 100%, giúp trẻ 1-15 tuổi tăng cân, tăng đề kháng, phát triển toàn diện... Vì mong muốn con trai khỏe mạnh, phát triển bằng bạn bè mà vợ tôi mua sữa này dù giá thành khá cao - gần 500.000 đồng. Tính đến nay chúng tôi đã bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua sữa.
Hiện, khi hay tin loại sữa mà con trai tôi uống trong suốt thời gian dài là giả, chúng tôi rất hoang mang. Vợ tôi đã hỏi rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng về khả năng sữa giả ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôi.
Ngoài ra, chúng tôi băn khoăn, theo quy định của pháp luật thì chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Độc giả Tuyết Nhung
>> Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tư vấn
Đối chiếu với những quy định của pháp luật hiện hành, những người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng các sản phẩm sữa giả này có thể tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là bị hại. Theo đó, bạn cần thực hiện các công việc sau:
Thứ nhất, thu thập các chứng cứ về việc đã mua, đã sử dụng sữa giả bằng các hóa đơn, biên lai mua hàng, thông tin liên lạc của người bán... Trường hợp người sử dụng sữa bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì cần có chứng cứ, chứng minh thiệt hại đó.
Thứ hai, có đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, kèm các tài liệu, chứng cứ có liên quan và yêu cầu được tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Nếu việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của bạn được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì họ sẽ dựa vào các tài liệu, chứng cứ do người tiêu dùng nộp để triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại. Còn nếu cơ quan tố tụng tách yêu cầu bồi thường thiệt hại này khỏi vụ án hình sự thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự riêng theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Về việc chứng minh thiệt hại, người tiêu dùng có thể căn cứ vào Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 về "căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại" quy định:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Hay Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 về "nguyên tắc bồi thường thiệt hại" quy định:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Vì vậy, bạn với tư cách là người tiêu dùng, là đối tượng bị xâm hại trực tiếp trong vụ việc này, có đầy đủ quyền theo luật định để được bảo vệ quyền lợi, bồi thường thiệt hại và yêu cầu xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nguồn: vnexpress.net
What's Your Reaction?






