'Người cũ' từ chối đứng tên trên giấy khai sinh của con tôi
Từ khi mang bầu, tôi và bạn trai bắt đầu phát sinh mâu thuẫn và nhận ra không thể hòa hợp, nên tôi quyết định chia tay và làm mẹ đơn thân.

Tôi năm nay 25 tuổi, vừa sinh con được hai tuần. Tuy chấp nhận làm mẹ đơn thân nhưng tôi vẫn muốn trên giấy khai sinh của con có đầy đủ cả cha và mẹ để sau này bé lớn lên không chịu thiệt thòi và tủi thân.
Nhưng khi trao đổi với bạn trai cũ về việc này thì anh từ chối. Anh nói có thể hỗ trợ tôi về tài chính, vì điều kiện kinh tế của tôi chưa vững, nhưng không muốn đứng tên trên giấy khai sinh của con.
Tôi nghĩ việc đứng tên trên giấy khai sinh là nghĩa vụ của người làm cha mẹ, nhưng bạn trai tôi lại không chấp nhận.
Việc anh ta từ chối đứng tên cha trong giấy khai sinh cho con có bị coi là phạm pháp, có bị xử phạt không? Quyền lợi của con tôi sau này có bị ảnh hưởng hay không?
Độc giả Bích Vân
>> Luật sư Đặng Hoài Vũ tư vấn
Hiện nay pháp luật vẫn chưa có chế tài phạt đối với hành vi từ chối đứng tên trên giấy khai sinh của con. Tuy nhiên, việc từ chối đứng tên trên giấy khai sinh không miễn trừ nghĩa vụ cấp dưỡng của người đó đối với con cái.
Do đó, nếu bạn trai cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi con 18 tuổi thì bạn có thể khởi kiện, yêu cầu nhận cha con và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu người cha có đủ điều kiện nhưng vẫn không thực hiện việc cấp dưỡng thì có thể bị xử lý hình sự tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự).
Theo đó, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: cha, mẹ, con, người giám hộ... có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp có tranh chấp.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 107 như sau:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Do đó, trong trường hợp cha của con bạn trốn tránh nghĩa vụ thì bạn có quyền yêu cầu tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định. Đồng thời, sau này nếu phát sinh vấn đề thừa kế thì bạn vẫn có thể yêu cầu làm thủ tục giám định để làm thủ tục nhận cha con và dù con bạn là con ngoài giá thú nhưng vẫn là hàng thừa kế thứ nhất được hưởng tương đương suất thừa kế với những người khác cùng hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, việc bạn trai cũ của bạn Bích Vân từ chối đứng tên trên giấy khai sinh cho con thì các quyền lợi của con bạn vẫn được pháp luật bảo vệ. Hay nói cách khác, việc này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích của con bạn.
Nguồn: vnexpress.net
What's Your Reaction?






