Mẹ có được chia tài sản khi con trai để lại toàn bộ cho vợ?
Trước khi lập gia đình, em trai tôi cùng mẹ tạo dựng được một căn nhà ở TP HCM và một miếng đất vùng ngoại ô.

Nhưng trước khi qua đời, em tôi để lại toàn bộ tài sản cho vợ. Giờ em dâu kiện mẹ tôi ra tòa đòi hưởng toàn bộ tài sản với lý do "trong di chúc chồng để lại toàn bộ tài sản" cho cô. Nguồn gốc căn nhà và đất này đều là tài sản em tôi và có một phần của mẹ tôi tạo dựng được từ trước khi em lập gia đình.
Sau này khi kết hôn, để tiện cho việc làm thủ tục, hơn nữa mẹ tôi cũng nghĩ có một cậu con trai nên để em tôi đứng tên trên giấy tờ và đi làm thủ tục cập nhật lại biến động về tài sản. Có thể nói toàn bộ hai bất động sản này đều là tài sản riêng của em tôi trước khi kết hôn.
Tuy di chúc em trai tôi để lại có giao cho người vợ sở hữu hai bất động sản này, nhưng nếu mẹ tôi không được hưởng phần nào trên khối tài sản em tôi để lại thì quá bất công. Bà hiện đã già, ngoài căn nhà đang tranh chấp là nơi ở duy nhất thì mẹ tôi không còn căn nhà nào khác.
Trong trường hợp di chúc em tôi để lại là hợp pháp thì em dâu tôi có được hưởng toàn bộ di sản người chồng để lại không? Pháp luật có quy định nào bảo vệ quyền lợi của mẹ tôi không? Quy định đó thế nào?
Độc giả Hoàng Linh
>> Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền tư vấn
Pháp luật Việt Nam hiện có quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho một số người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, trong trường hợp của gia đình bạn Hoàng Linh, mặc dù trên di chúc em bạn đã để lại toàn bộ di sản cho vợ và giả sử di chúc này là hợp lệ thì mẹ bạn vẫn sẽ được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong khối di sản mà người em để lại.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tối đa quyền lợi của mẹ bạn đối với hai bất động sản do em trai đứng tên thì cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Chuẩn bị đầy đủ chứng cứ, tài liệu nhằm chứng minh hai bất động sản trên là tài sản riêng của em bạn trước thời kỳ hôn nhân, tránh việc tài sản bị xác nhận là tài sản chung vợ chồng và bị chia đôi cho người vợ trước khi tiến hành phân chia di sản.
- Có thể căn cứ vào việc mẹ bạn đã không còn nơi ở, nơi cư trú nào khác để yêu cầu được hưởng di sản dưới dạng hiện vật. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, mẹ bạn cũng cần phải thanh toán lại phần chênh lệch giữa giá trị hiện vật và mức di sản được hưởng cho các đồng thừa kế khác.
Mặt khác, nếu có đủ chứng cứ chứng minh mẹ bạn đã có đóng góp nhằm tạo dựng hai khối bất động sản trên, tức đây là tài sản chung giữa mẹ bạn và em bạn, thì mẹ bạn có thể yêu cầu được phân chia tài sản trong khối tài sản chung theo tỷ lệ và công sức đóng góp. Đồng thời mẹ bạn vẫn sẽ được hưởng thừa kế tương ứng với phần còn lại của khối tài sản được xem là di sản.
Nguồn: vnexpress.net
What's Your Reaction?






