Hộ kinh doanh từ chối nhận thanh toán bằng chuyển khoản, có sai luật?
Hộ kinh doanh không buộc phải chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; nhưng bắt buộc phải lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền cho từng giao dịch, dù khách thanh toán bằng hình thức nào.

Nhiều người tại TP.HCM phản ánh tình trạng hàng loạt quán ăn, tiệm làm đẹp, nhà trọ… bất ngờ chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Một số nơi thậm chí còn yêu cầu khách nếu muốn thanh toán bằng chuyển khoản, thì phải ghi nội dung chuyển khoản là “chúc mừng sinh nhật”, “cho mượn tiền”...
Tình trạng này đã diễn ra được một thời gian ngắn, thực tế gây nhiều phiền toái trong quá trình giao dịch. Nhiều ý kiến cho rằng việc từ chối chuyển khoản là biểu hiện đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thói quen đảo lộn
Chị Hồng Nhung (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết chị thường xuyên sử dụng dịch vụ nối mi, chăm sóc cá nhân tại một tiệm quen; trước giờ chị đều thanh toán bằng chuyển khoản vì tiện lợi và dễ kiểm soát chi tiêu.
Tuy nhiên, gần đây khi đến nơi để sử dụng dịch vụ, chị đều bị từ chối chuyển khoản. “Tôi vừa làm xong, hỏi số tài khoản để chuyển như mọi lần thì nhân viên bảo giờ chỉ nhận tiền mặt. Trong ví tôi chỉ còn đúng 50.000 đồng, thế là phải chạy ra ATM gần đó rút tiền rồi quay lại trả. Trời thì nắng, đường thì đông, rất mệt mỏi và phiền phức” - chị Nhung kể.
Không riêng chị Nhung, nhiều người cũng gặp phải tình huống tương tự trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Nguyễn Hoàng (quận 3, TP.HCM) kể rằng chủ nhà trọ cũng bất ngờ yêu cầu anh trả tiền thuê trọ bằng tiền mặt, rồi họ viết giấy biên nhận tay.
“Tôi hỏi lý do thì cô ấy chỉ nói chuyển khoản giờ bị để ý, phiền lắm. Trong khi trước đây, mọi giao dịch đều qua tài khoản, rất rõ ràng, không ai phàn nàn gì cả” - anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Quân (quận 7, TP.HCM) cho rằng việc nhiều cửa hàng, quán ăn, tiệm dịch vụ bất ngờ chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt là biểu hiện rõ ràng của việc đi ngược lại chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.
Theo anh, trong khi các giao dịch điện tử được khuyến khích để minh bạch, thuận tiện và an toàn hơn thì thực trạng này lại khiến người tiêu dùng bị đẩy vào thế khó, ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội
Cơ quan thuế có đầy đủ công cụ giám sát
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chi cục phó Chi cục Thuế Khu vực II, cho biết việc một số cơ sở kinh doanh từ chối thanh toán bằng tiền mặt hoặc thu thêm khi khách chuyển khoản chỉ là hiện tượng cá biệt, chủ yếu do chưa nắm rõ quy định hoặc lo ngại nghĩa vụ thuế.
“Dù thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản, hộ kinh doanh đều phải xuất hóa đơn và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng có biết cơ quan thuế hiện có đủ công cụ giám sát, đối chiếu dữ liệu để phát hiện bất thường như doanh thu bán ra thấp, chi phí đầu vào cao bất hợp lý... Trường hợp nếu có hành vi trốn thuế thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Về triển khai, Chi cục Thuế Khu vực II đã tham mưu chính quyền địa phương ban hành chỉ thị tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc tuyên truyền và áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Chi cục cũng ký kết với các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để hỗ trợ miễn phí từ 6 đến 12 tháng, tổ chức tập huấn theo từng địa bàn; đồng thời thiết lập đường dây nóng 24/7 và các tổ tư vấn lưu động nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quá trình triển khai.
Ông Dũng thông tin thêm, tính đến ngày 11-6, toàn TP.HCM đã có 46.290 người nộp thuế, gồm 31.568 doanh nghiệp và 14.722 hộ kinh doanh, đăng ký thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025.
Nguồn: plo.vn
What's Your Reaction?






