Điều kiện để doanh nghiệp được miễn kiểm tra thực tế là gì?
Tôi được biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mới về việc áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đây là một bước đi quan trọng thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên cả nước.
Các chính sách mới không chỉ hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển nền kinh tế quốc gia.
Vậy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần phải đáp ứng điều kiện gì để được miễn kiểm tra thực tế (cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực hiện việc kiểm tra thực tế)?
Độc giả Xuân Dũng
>>Luật sư Phạm Thanh Hữu tư vấn
Theo khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội, miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định của pháp luật.
Ngoài nội dung nêu trên, Điều 4 còn quy định các nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cụ thể như sau:
- Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
- Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
- Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
- Kế hoạch, kết luận thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được công khai theo quy định của pháp luật.
- Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử; giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
- Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
- Không phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
- Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi làm hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và lạm dụng vị trí độc quyền.
- Nghiêm cấm cơ quan truyền thông, báo chí, tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Nguồn: vnexpress.net
What's Your Reaction?






